Burma 2015: Hướng sáng (P1)


Đã hơn một năm chưa đi xa, hơn một năm trở lại với cuộc sống agency. Đã bắt đầu cảm thấy ì ạch, lười và ngại những chuyến đi xa. Đó cũng là lúc bản thân cần một cú hích để tỉnh táo trở lại và sẵn sàng cho những kế hoạch mới. Tôi tìm đến với Burma, tháng Mười một của ánh sáng.

Không có nhiều thời gian như chuyến đi trước, tôi quyết định dành chín ngày nghỉ phép để lần theo hai nguồn sáng: lễ hội ánh sáng Tazaungdaing tại Taunggyi và ánh mặt trời lên xuống trên những ngôi đền gạch đỏ phơi dấu thời gian của thành cổ Bagan.

Chắc hẳn đa phần những người có máu xê dịch đều có biết đến lễ hội ánh sáng Loy Krathong tại Chiang Mai, Thái Lan đầy lung linh huyền ảo với hàng ngàn chiếc đèn trời được thả lên không trung. Khung cảnh như trong truyện cổ tích đó cũng đã được các nhà làm phim của Walt Disney tái hiện trong một phân cảnh kinh điển của bộ phim Tangled. Tuy nhiên không nhiều người biết đến một lễ hội ánh sáng khác cũng được diễn ra vào rằm tháng Tám theo lịch Burma (tháng Tazaungmon) là lễ hội Tazaungdaing, lễ hội đánh dấu kết thúc kỳ an cư mùa mưa (Vassa) của các nhà sư phật giáo Nam Tông.

Lễ hội ánh sáng Tazaungdaing diễn ra trên khắp cả nước Burma nhưng có lẽ sự kiện sôi động nhất chính là lễ hội Khinh khí cầu tại Taunggyi, bang Shan, cách thị trấn Nyaung Shwe nơi có thắng cảnh hồ Inle nổi tiếng, tầm 40km.

Mặc dù không được nhiều du khách quốc tế biết đến, lễ hội Khinh khí cầu ở Taunggyi là một trong những lễ hội lớn nhất nước đối với người dân Burma. Nêu cũng dễ hiểu khi hầu hết nghỉ và khách sạn tại Taunggyi đều cháy phòng trong dịp này. Chính vì thế tôi quyết định nghỉ tại Nyaung Shwe, giá phòng rẻ hơn, nhiều lựa chọn hơn và cũng tiện thăm thú hồ Inle, hồ nước ngọt lớn thứ nhì Burma.

Hơn một ngày đầu tiên trên đất Burma là dành cho di chuyển. Từ Sài Gòn qua Rangoon, tôi may mắn kiếm được chiếc vé cuối cùng trên chiếc xe đêm ghế ngả xuất phát từ sáu giờ tối tại bến xe Aung Mingalar và đến Nyaung Shwe lúc năm giờ sáng. Một đêm khó chợp mắt với nhạc pop Burma xập xình và máy lạnh trên xe luôn để ở 18 độ C.

Vốn không có thói quen vội vàng đối với mỗi chuyến đi, tôi dành cả ngày hôm sau để nghỉ ngơi lấy lại sức cũng như tìm hiểu các phương án đi lại thăm thú sao cho tiết kiệm nhất và trải nghiệm được nhiều nhất.

Khi đi du lịch một mình, một trong những điều thú vị nhất là bạn có cơ hội làm quen với những người bạn mới từ khắp nơi trên thế giới, chia sẻ văn hoá, những câu chuyện, những góc nhìn mới, và không kém phần quan trọng là chia sẻ chi phí di chuyển và các gói tham quan. Mỗi chuyến đi tôi đều có thêm những người bạn mới, giữ liên lạc với nhau qua Facebook, theo dõi những chuyến đi của nhau, hẹn hò đưa nhau đi chơi khi người này ghé thăm đất nước của người kia.

Lần này ở khách sạn tại Nyaung Shwe tôi gặp Marc, đến từ Bordeaux. Cậu này mới nghỉ việc sau một thời gian sống và làm việc tại Budapest và chuẩn bị sang Canada bắt đầu công việc mới. Marc cũng ở lại Nyaung Shwe hơn ba ngày nên bọn tôi bàn nhau đi chung thuyền thăm hồ Inle và đi Taunggyi chơi lễ hội Khinh khí cầu. Ngày hôm sau tôi, Marc và bốn người bạn Marc quen từ trước trong chuyến đi trekking từ Kalow đến Nyaung Shwe, cùng nhau thuê thuyền đi hồ Inle. 4000 kyat mỗi người cho chuyến đi trọn một ngày từ sáng đến chiều tối là quá rẻ. Thuyền trưởng và hoa tiêu thuyền chúng tôi là Sule và Nini, đâu đó tầm 11–12 tuổi.

Mặc dù đã từng lênh đênh trên mặt hồ phẳng lặng xanh ngắt của Búng Bình Thiên, An Giang, hay thức giấc đón bình minh giữa mênh mông trời-nước của Biển Hồ Tonle Sap, cảnh sắc hồ Inle vẫn không khỏi khiến tôi thích thú. Có lẽ là do những rặng núi xen nhau quyện trong sương sớm, do những nhịp chèo bằng chân độc đáo của ngư dân Intha, những vườn cà chua xanh mướt nổi trên mặt hồ, hay cũng có thể bởi những làn khói bếp thả trôi mềm như lụa trong ráng chiều, nhắc nhở người đi xa chớ quên bữa cơm nhà mẹ nấu đợi.

Hết phần 1