Nửa năm kể từ những ngày tháng miên man trong hội hè ánh sáng, tôi trở lại Burma những ngày đầu tháng Năm nắng nóng ngột ngạt, như thể muốn làm mọi thứ bốc hơi. Tháng Năm quả không phải thời điểm lý tưởng để thăm thú đất nước Phật giáo này. Tuy vậy có một số vùng đất được những người Anh thuộc địa chọn làm nơi tránh cái nóng khắc nghiệt của mùa hè thuộc địa và dựng lên những thị trấn sườn đồi (hill station) với khí hậu mát mẻ quanh năm ở độ cao từ 1000–3000m trên mực nước biển. Nếu Việt Nam có Đà Lạt, Sa Pa hay Tam Đảo thì ở Burma là Kalaw và Pyin Oo Lwin. Tôi chọn Pyin Oo Lwin, phần vì trót phải lòng cái không khí dễ chịu và nhịp sống thong thả của những thị trấn sườn đồi như tôi đã phải lòng Đà Lạt, phần vì cái tên lãng mạn Maymyo (May town — thị trấn tháng Năm) mà những người Anh thuộc địa đã dành cho vùng đất này. Nhưng lý do chính bắt đầu từ những trang nhật ký của Paul Theroux trong chuyến hành trình bằng xe lửa từ châu Âu qua châu Á được tập hợp lại trong cuốn The Great Railway Bazaar. Trong chặng dừng chân tại Burma, Paul chỉ có một mục đích duy nhất: hành trình xe lửa từ Rangoon qua Mandalay và Maymyo tới Lashio băng qua hẻm núi Gokteik, nơi có cây cầu cạn đường sắt vĩ đại Gokteik Viaduct, được công ty thép Pennsylvania của Mỹ xây dựng năm 1899 cho thực dân Anh. Nhưng trước khi tới được Maymyo, tôi còn có một cuộc phiêu lưu nho nhỏ cần được kể.
Sau khi suýt bị trễ chuyến bay, tôi hạ cánh xuống Rangoon vào giữa trưa nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C nhưng cảm giác nóng còn hơn thế. Tôi vội vã bắt taxi tới bến xe Aung Mingalar với hy vọng kịp mua tấm vé xe đêm đi Maymyo. Rất may lần này tôi mua được vé VIP bus của hãng Mingalar Minn, một hãng xe lớn và uy tín ở Burma chứ không đen đủi như lần trước, phải mất hai tiếng đồng hồ đi bộ khắp bến xe mới kiếm được một tấm vé xe chợ đi Nyaung Shwe do đợt cao điểm mùa lễ hội.
Sau khi đã chắc trong tay tấm vé, tôi thong thả bắt taxi vào trung tâm Rangoon. Thời tiết quá nắng nóng để có thể đi bộ ngoài đường hơn 15 phút. Tôi dành phần lớn thời gian trong các nhà hàng và tiệm giải khát để tránh cái nóng ban ngày. Vốn quen với những việc vào phút chót, tôi đủng đỉnh ăn tối đến 7h40 mới bắt đầu rời quán kiếm taxi chạy về bến xe. Sau khi thoả thuận giá cả và ngồi lên xe đồng hồ chỉ 7h45. Cậu lái taxi sau khi tôi cho xem vé và thấy giờ khởi hành là 8h30 liền lắc đầu, ý là mày sẽ không đến kịp đâu. Vốn bản tính lạc quan (và cũng không còn cách nào khác), tôi vỗ vai cậu và nói tao tin mày làm được, cố lên. Quãng đường từ nhà hàng nơi tôi ăn tối đến bến xe là hơn 15 cây số, và tôi đã quên dự trù việc tắc đường.
Sau khi băng băng được vài cây số, xe của chúng tôi bắt đầu rơi vào những làn ô tô dài đằng đẵng nối nhau chậm chạp tiến qua điểm giao cắt của xa lộ. 8h10. Tôi bắt đầu thấy sốt ruột và tìm cách liên lạc với nhà xe, thông qua cậu lái xe gọi điện theo số điện thoại ghi trên vé. Nhìn phản ứng của cậu thì có vẻ như cậu đã liên lạc được và xe sẽ chờ thêm ít phút. Tôi tạm an tâm phần nào.

8h37. Taxi đã đến được bến xe. Tôi vội vã chạy về phía bãi đỗ của Mingalar Minn, cậu lái taxi cũng theo sau, bảo tôi đưa vé cho cậu hỏi nhân viên của hãng. Xe đã khởi hành được năm phút. Vậy là họ đã không chờ tôi. Cũng khó mà trách được vì bến xe quá đông nên không thể giữ chỗ trễ hơn thời gian khởi hành được, sẽ ảnh hưởng đến các xe khác.
Đang chưa biết làm thế nào thì cậu lái taxi ra hiệu cho tôi lên xe. Chúng tôi sẽ đuổi theo chiếc xe kia. Sau hơn 15 phút chạy với tốc độ gần 100km/h trên đường cao tốc vẫn không thấy dấu chiếc xe khách ở đâu thì ngay sau đó, các xe phía trước bắt đầu đi chậm lại để qua trạm thu phí. Và chiếc xe màu đỏ của Mingalar Minn đang ở ngay trước mặt. Cậu lái taxi vội vàng vẫy tài xế dừng lại để tôi lên xe. Tôi chỉ kịp rối rít cảm ơn cậu lái taxi rồi nhảy vội lên xe. Những bộ phim hành động rượt đuổi bằng ô tô tôi đã từng xem giờ trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Sau gần 11 tiếng trên xe, cuối cùng tôi đã đến được Maymyo. Những vất vả của ngày đầu tiên sớm trôi đi khi tôi đặt chân vào khuôn viên của khách sạn Orchid Nan Myang, nơi tôi sẽ ở trong hai ngày tới. Khách sạn Orchid Nan Myang có tên cũ là Craddock Court, được xây dựng năm 1914 để làm nơi nghỉ dưỡng của giới chức thuộc địa Anh. Khuôn viên khách sạn gồm bốn khối nhà lớn được xây theo lối kiến trúc cottage thuộc địa Anh trải rộng trên một diện tích hơn 6000 m2 với cây cổ thụ, vườn tược rực rỡ các loại hoa và rộn tiếng chim hót. Bước vào nơi đây có cảm giác như được du hành vượt thời gian về lại những năm 20 của thế kỉ trước và trải nghiệm cuộc sống của những người Ăng-lê thuộc địa. Và, vì khuôn viên quá rộng lớn, khoảng cách giữa các căn nhà khá xa nhau và mỗi phòng rộng tầm 50m2 nên đôi khi đêm xuống có cảm giác được ở chung phòng cùng với ‘họ’.









(Còn tiếp)