Nằm bên sông Bình Di, biên giới tự nhiên giữa 2 nước Việt Nam — Campuchia là cửa khẩu Khánh Bình, một cửa khẩu nhỏ và tương đối vắng vẻ so với các cửa khẩu khác của An Giang như Tịnh Biên hay Vĩnh Xương. Tôi khá ngạc nhiên khi thủ tục hải quan cho con ngựa sắt của mình được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng đến thế (tất nhiên là đã kèm theo một khoản lệ phí nho nhỏ). Anh bạn cảnh sát xuất nhập cảnh còn niềm nở hỏi thăm “Anh từ Hà Nội vào đấy à”. Trước đó khi tìm hiểu thông tin cho chuyến đi, tôi khá lo về việc làm thủ tục tạm nhập tái xuất cho xe máy vì thông tin từ những người đi trước cũng đã khá cũ, không còn cập nhật. Hơn nữa Khánh Bình là một cửa khẩu nhỏ và mới, dân phượt thường hiếm khi chạy xe vượt biên theo hướng này. Rất may máu liều của tôi đã không phải trả giá bằng việc phải vác xe quay lại Châu Đốc tìm đường khác.
Từ cửa khẩu Khánh Bình chỉ mất khoảng 70 cây số để đến được thủ đô Phnom Penh, qua cửa khẩu Chraythom, men theo phần thượng nguồn của con sông Hậu, mà phía Campuchia gọi là sông Bassac. Đây là lộ trình ngắn nhất từ biên giới Việt Nam đến Phnom Penh, đối với cả đường thuỷ và đường bộ.
Thời gian dành cho Phnom Penh chỉ có 2 ngày rưỡi, nên tôi quyết định sẽ không đi thăm chùa chiền hay bảo tàng, mà dành để đi chợ. Đi chợ Kandal buổi sáng, như một người Phnom Penh thứ thiệt.
Chợ Kandal đông đúc và náo nhiệt ngay từ 5 rưỡi — 6 giờ sáng, tập trung chủ yếu người dân Phnom Penh mua sắm thức ăn cho cả gia đình. Nằm ngay cạnh khu phố Tây Sisowath Quay bên bờ sông Tonle, chợ Kandal là chợ nông sản lớn nhất Phnom Penh với đa dạng các loại hoa quả nhiệt đới đặc trưng của Campuchia, cũng như các loại tôm cá được đánh bắt từ 3 con sông lớn, Tonle, Mekong và Bassac.
Điều thú vị là khi đi sâu vào chợ, tôi gặp rất nhiều hàng quán của người Việt, từ quán ăn sáng, cà phê nước giải khát đến uốn tóc làm đầu.










2 responses to “Mekong 3321: Đi chợ buổi sáng ở Phnom Penh”
Được mang xe máy sang bên đó à bạn?
Xin giấy tạm nhập tái xuất ở Hải quan cửa khẩu là được bạn ạ